Momentum là gì? Cách sử dụng Momentum trong trading

0

Momentum trong Tiếng Anh có nghĩa là “đà”, trong forex thì được định nghĩa là “động lực hay động lượng”. Một trong những yếu tố quan trọng trong đầu tư forex chính là ý tưởng về xu hướng. Việc xác định thị trường đang trong xu hướng nào (tăng hay giảm), xu hướng đó vừa mới bắt đầu hay đã bắt đầu và đang tiếp diễn hay sắp kết thúc và chuẩn bị chuyển sang một xu hướng mới, là các thông tin cực kỳ hữu ích mà nhà đầu tư có thể sử dụng để vào/ra thị trường một cách hợp lý nhất. Độ mạnh hay lực của xu hướng đó chính là Momentum (động lượng).

Bài viết này sẽ đề cập đến chỉ báo Momentum, một chỉ báo được thiết lập sẵn trong phần mềm giao dịch MT4. Chúng ta sẽ tìm hiểu chỉ báo này là gì? Chỉ báo này cung cấp những tín hiệu gì và cách ứng dụng nó ra sao trong giao dịch forex.

Tổng quan về chỉ báo Momentum

Chỉ báo Momentum phản ánh xu hướng và đánh giá tốc độ thay đổi của giá trong một khoảng thời gian xác định dựa trên sự so sánh các giá trị hiện tại và quá khứ. Cụ thể, chỉ báo Momentum đo lường tỷ lệ % tăng hoặc giảm của giá trong một khoảng thời gian nhất định.

Công thức tính

Momentum = (Close/ Closei-n ) x 100

Trong đó: Closei là giá đóng cửa tại phiên giao dịch (hay cây nến) thứ i và Closei-n là giá đóng cửa tại phiên giao dịch (hay cây nến) thứ i-n

Với n là khoảng thời gian (số kỳ) được xác định bởi mỗi nhà đầu tư, dựa vào các chiến lược cụ thể. Trong phần mềm MT4, giá trị n được mặc định là 14

Trong tính toán, cũng có những trường hợp người ta tính giá trị của Momentum theo một cách đơn giản hơn, đó là Momentum = Closei – Closei-n , với cách tính này thì chỉ báo Momentum chỉ phản ánh về sự thay đổi trong độ lớn của giá, còn với cách tính đầu tiên thì chỉ báo Momentum phản ánh rõ hơn về tốc độ thay đổi của giá, biểu thị bằng %, gần với bản chất của động lượng hơn. Trong phần mềm MT4, chỉ báo Momentum được mặc định tính theo cách thứ nhất.

Đặc điểm của chỉ báo Momentum

  • Chỉ báo Momentum có thể được sử dụng tại bất kỳ khung thời gian nào
  • Đường Momentum dao động xung quanh đường 100. Đường Momentum càng xa đường 100 thì chứng tỏ giá biến động càng mạnh.
  • Ví dụ bạn đang thiết lập chỉ báo Momentum với n =14 trên khung thời gian H1. Momentum = 100 (đường Momentum cắt đường 100) có nghĩa là giá đóng cửa tại thời điểm đang xét bằng với giá đóng cửa trước đó 14 giờ. Momentum >100 (đường Momentum nằm phía trên đường 100) có nghĩa là giá đóng cửa tại thời điểm đang xét cao hơn giá đóng cửa trước đó 14 giờ. Tương tư với Momentum<100.
  • Khoảng cách của đường Momentum so với đường 100 cho biết giá đang di chuyển nhanh như thế nào. Momentum = 98% thì giá đang giảm với lực mạnh hơn so với Momentum = 99%. Tương tự, Momentum = 110% thì giá đang tăng với lực mạnh hơn so với Momentum = 105%.

Ứng dụng của chỉ báo Momentum

Chỉ báo Momentum giúp xác định sức mạnh đằng sau mỗi xu hướng. Nhà đầu tư dựa vào chỉ báo này để xác định liệu rằng thị trường có tiếp tục hướng đi của xu hướng chính hay xu hướng đó đang mất đà và bắt đầu đảo chiều. Chỉ báo này cung cấp cho nhà đầu tư 3 loại tín hiệu

  • Tín hiệu khi đường Momentum cắt đường 100
  • Tín hiệu khi đường Momentum cắt đường trung bình di động
  • Tín hiệu phân kỳ/hội tụ giữa đường giá và chỉ báo Momentum.

Cách giao dịch với chỉ báo Momentum

Tín hiệu giao cắt với đường 100

Giá trên thị trường forex luôn luôn biến động, chính vì thế mà đa phần thời gian diễn ra giao dịch trên thị trường, Momentum luôn nằm phía trên hoặc phía dưới đường 100. Tại các thời điểm mà Momentum cắt đường 100, thị trường thường xuất hiện các tín hiệu mua hoặc bán, nhưng đây lại không phải là các tín hiệu mạnh.

Khi Momentum cắt đường 100 theo hướng từ dưới lên, điều này cho thấy những nhà đầu tư ở vị thế Long (Mua) đang chiếm ưu thế, khả năng giá sẽ tiếp tăng và đây là tín hiệu để các bạn vào lệnh Buy. Ngược lại, khi Momentum cắt đường 100 từ trên xuống, phe bán (Short) đang chiếm ưu thế, khả năng giá sẽ tiếp tục giảm, các bạn sử dụng tín hiệu này để vào lệnh Sell

Trong thực tế thì Momentum rất thường hay giao cắt với đường 100, với mỗi lần giao cắt như thế thì ít nhất giá sẽ xuất hiện một đợt tăng hoặc giảm, nhưng các đợt tăng giảm này đa số rất ngắn, có khi nó chỉ đơn giản là một đợt retest lại của một xu hướng chung nào đó, nếu như dùng không hợp lý các bạn sẽ rất dễ đặt lệnh đi ngược lại với xu hướng chung đó.

Để sử dụng tín hiệu này một cách hợp lý hơn, các bạn hãy dùng nó khi xác định được giá đang đi trong một xu hướng chung nào đó, rồi tìm ra các điểm giao cắt để vào lệnh tốt nhất.

Xu hướng chung hiện tại ở hình trên là một xu hướng tăng, các bạn có thể chờ đợi một đợt giảm giá như là một đợt retest trước khi giá tiếp tục tăng theo xu hướng chung trước đó. Dấu hiệu là Momentum giảm xuống đường 100, sau đó tăng lên lại. Vào lệnh Buy tại thời điểm mà Momentum cắt đường 100 từ dưới lên, các bạn có thể xác nhận lại tín hiệu đó bằng ít nhất là 3 cây nến tăng liên tiếp sau đợt retest giảm giá. Stop-loss tại đáy gần nhất trước đó. Take-profit sao cho lợi nhuận gấp 2 lần so với stop-loss.

Tuy nhiên, như đã nói lúc nãy, Momentum rất hay giao cắt với đường 100, các tín hiệu nhận được khá yếu, chính vì thế khi sử dụng Momentum, các bạn nên kết hợp với một số chỉ báo kỹ thuật khác.

Tín hiệu giao cắt với đường trung bình di động MA

Trong phân tích kỹ thuật với chỉ báo Momentum, các chuyên gia thường kết hợp đường Momentum với đường trung bình di động MA để tìm ra các điểm mà tại đó giá có khả năng đảo chiều, bắt đầu một xu hướng mới. Các bạn có thể thiết lập đường MA với số kỳ tùy ý, nhưng thường là 9, 14 hoặc 21 kỳ. Số kỳ càng dài thì độ mượt càng cao, nhưng tín hiệu nhận được thường bị trễ so với biến động của giá.

Ý tưởng cơ bản của tín hiệu này là vào lệnh Buy khi Momentum cắt MA từ dưới lên và vào lệnh Sell khi Momentum cắt MA từ trên xuống. Tuy nhiên, tín hiệu này vẫn rất thô sơ như tín hiệu giao cắt với đường 100. Để hiệu quả hơn, các bạn chỉ sử dụng tín hiệu này cho những giao dịch theo hướng của xu hướng chung trước đó (như trường hợp phân tích tín hiệu giao cắt với đường 100 ở trên) hoặc chỉ nhận tín hiệu khi Momentum rơi vào vùng quá mua (overbought) hoặc quá bán (oversold).

Trên chỉ báo Momentum, để nhận biết giá đã vào vùng quá mua hoặc quá bán, các bạn có thể dựa vào khoảng cách của Momentum với đường 100. Khi khoảng cách là khá xa thì có thể xác định giá đang rơi vào tình trang quá mua hoặc quá bán và khả năng điều chỉnh giảm/tăng xảy ra, một xu hướng mới sắp bắt đầu. Hoặc để chắc chắn hơn, các bạn có thể kết hợp với chỉ báo RSI để nhận biết các vùng overbought hoặc oversold của giá.

Ở hình trên, tín hiệu quá bán của chỉ báo RSI xuất hiện trước, cho thấy khă năng thị trường sẽ điều chỉnh tăng trở lại. Lúc này, các bạn chờ đợi tín hiệu Momentum cắt MA từ dưới lên để vào lệnh Buy. Stop-loss tại đáy gần nhất trước đó và take-profit sao cho lợi nhuận ít nhất là gấp 2 lần so với stop-loss.

Tín hiệu phân kỳ hoặc hội tụ giữa đường Momentum và đường giá

  • Hội tụ xảy ra khi giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước nhưng Momentum tạo đáy sau cao hơn đáy trước.
  • Phân kỳ xảy ra khi giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nhưng Momentum tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.

Trước khi xuất hiện sự phân kỳ của giá và chỉ báo Momentum, thị trường đang ở xu hướng tăng. Sau khi phân kỳ xuất hiện, giá đảo chiều, bắt đầu một xu hướng mới, chuyển từ tăng sang giảm.

Tương tự với trường hợp xuất hiện hội tụ giữa giá và chỉ báo Momentum.

Tuy nhiên, tín hiệu giá đảo chiều khi xuất hiện sự hội tự hay phân kỳ như trên là một tín hiệu yếu, đặc biệt là nếu giá đang trong một xu hướng mạnh, các tín hiệu này rất hay bị sai. Việc phân tích sự đảo chiều của giá dựa vào các tín hiệu này chỉ là một sự phân tích cơ bản nhất, chính vì thế các bạn không nên sử dụng tín hiệu này một cách độc lập mà phải kết hợp thêm các phương pháp hoặc chỉ báo kỹ thuật khác.

Hình dưới là trường hợp giá đang trong một xu hướng giảm mạnh, các tín hiệu hội tụ giữa giá và Momentum đều bị sai.

Cách thiết lập chỉ báo Momentum trong phần mềm MT4

Để mở chỉ báo Momentum trong phần mềm MT4, các bạn lần lượt làm theo đường dẫn sau

Tại thanh Menu, chọn Insert à Indicators à Oscillators à Momentum như hình dưới.

Hộp thoại cài đặt chỉ báo Momentum hiện ra như sau

Tại đây, các bạn lần lượt cài đặt các thông số trong các tab ParametersLevel và Visualization

  • Parameters: tại ô Period, các bạn nhập vào số kỳ, MT4 sẽ để mặc định là 14, tại ô Apply to, bạn chọn loại giá, ở đây chúng ta sẽ để giá đóng cửa. Sau đó chọn màu sắc và style cho đường Momentum
  • Level: tại tab này, các bạn phải thiết lập đường 100 (MT4 sẽ không tạo sẵn) bằng cách bấm vào nút Add, nhập vào số 100, sau đó chọn màu sắc và style cho đường này
  • Visualization: muốn chỉ báo này hiển thị trên khung thời gian nào thì bấm chọn vào khung thời gian đó.

Tại mỗi tab, khi cài đặt xong thì bấm vào OK để hoàn tất.

Tạo đường trung bình di động MA trên đồ thị của chỉ báo Momentum

Tại mục Navigator, bạn chọn chỉ báo Moving Average trong nhóm các chỉ báo xu hướng Trend, sau đó giữ chuột tại chỉ báo này rồi kéo thả vào khung đồ thị của chỉ báo Momentum đã tạo trước đó. Hộp thoại cài đặt MA hiện ra như bên dưới

Các bạn thực hiện cài đặt tương tự như chỉ báo Momentum, tuy nhiên tại ô Period, nhập vào số kỳ cho đường trung bình, mặc định là 21, các bạn có thể sử dụng giá trị này hoặc thay đổi nếu muốn. Tại ô MA method, chọn phương pháp trung bình trượt đơn giản (Simple), tại ô Apply to, chọn First Indicator’s Data để chèn MA vào chỉ báo Momentum.

Chỉ báo Momentum được sử dụng khá rộng rãi để phân tích động lượng của xu hướng. Tuy nhiên, bất kỳ một chỉ báo nào cũng đều tồn tại nhược điểm của nó. Chính vì thế, các bạn cần phải luyện tập thật nhiều để rút ra những kinh nghiệm cho riêng mình từ đó vận dụng tốt hơn. Đồng thời, như đã nói, Momentum không phải là một chỉ báo mạnh để có thể sử dụng nó một cách độc lập mà cần phải kết hợp với các phương pháp và chỉ báo kỹ thuật khác.

Bài trướcĐòn bẩy (Leverage) là gì? Nên sử dụng đòn bẩy bao nhiêu trong giao dịch forex?
Bài tiếp theoChỉ số PMI là gì? Vì sao nó lại quan trọng?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây