Khi tham gia giao dịch forex, ngoài lợi nhuận tiềm năng mà thị trường này mang lại thì chi phí cũng là một trong những vấn đề được rất nhiều trader quan tâm. Về cơ bản, sẽ có 2 loại phí trader cần phải trả để có thể mở/đóng 1 vị thế giao dịch bao gồm phí bắt buộc và phí không bắt buộc.
Các loại phí không bắt buộc có thể là: phí mua tin tức, tín hiệu giao dịch, phí dịch vụ VPS, dịch vụ phân tích kỹ thuật,… Các dạng này thường chỉ dành cho bộ phận các trader “có điều kiện”, hoặc những trader chuyên nghiệp đã giao dịch 1 thời gian dài chứ không dành cho số đông.
Trong khi đó, với dạng phí bắt buộc đây sẽ là khoản mà bất cứ trader nào khi đầu tư forex đều phải chịu như: phí quản lý tài khoản, phí chênh lệch giá spread, phí hoa hồng (commission), phí qua đêm (swap), phí nạp, rút tiền… Trong những loại kể trên phí spread, phí commission và phí swap là 3 loại phí mà trader phải trả cho mỗi lần giao dịch và cũng là 3 loại phí được quan tâm nhiều nhất hiện nay.
Phí spread và phí swap (phí qua đêm) có lẽ là những loại phí quá quen thuộc với trader khi giao dịch forex. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu kỹ hơn về loại phí còn lại, phí commission hay phí hoa hồng.
Nội Dung
Commission (phí hoa hồng) là gì?
Commission hay phí hoa hồng là số tiền mà nhà giao dịch (trader) phải trả cho nhà môi giới (broker) để họ thực thi lệnh bao gồm: mở lệnh và đóng lệnh. Như vậy, nếu không tính các khoản phí khác thì phí spread và phí commission sẽ là 2 loại phí chủ yếu tạo nên thu nhập cho sàn forex.
Nếu chưa biết phí Spread là gì?. Bạn có thể xem thêm tại đây.
Thực tế, việc trader trả phí commission cho sàn cũng giống như việc mỗi khi đi rút tiền, chuyển tiền, ngân hàng đều thu 1 khoản phí nhất định, để thực hiện lệnh cho bạn. Nếu ngân hàng dùng phí giao dịch để duy trì hoạt động và trả lương cho nhân viên thì các broker cũng dùng commission tương tự như thế cho hoạt động kinh doanh của họ.
Đặc điểm của phí Commission
-Thường có mức trung bình là 7 USD/lot/2 chiều. Như vậy, nếu giao dịch 1 lot sẽ mất 7 USD, 0.1 lot sẽ mất 0.7 USD, tương tự với 0.01 lot thì bạn sẽ mất 0.07 USD. Sở dĩ gọi là 2 chiều bởi 1 lệnh được thực thi sẽ bao gồm: 1 chiều mở lệnh và 1 chiều đóng lệnh. Ngay khi mở lệnh, sàn forex nào cũng sẽ thu phí commission 1 lần cho cả 2 chiều. Chứ không phải mở lệnh sàn thu 1 lần, đóng lệnh sẽ thu lượt phí còn lại, bạn nhé.
Mặc dù vậy, một số sàn lại quy định mức phí commission theo từng loại sản phẩm dao động từ 7 USD – 10 USD/lot, phí hoa hồng trên các cặp forex sẽ khác với phí hoa hồng trên cổ phiếu, tiền điện tử…Thông thường vàng sẽ có mức phí commission cao hơn so với các cặp tiền tệ forex. Tuy nhiên, đây vẫn là mức phí cố định cho từng sản phẩm, chứ không thả nổi như với các dạng tài khoản chỉ tính phí spread.
-Các loại tài khoản thu phí commission (phí hoa hồng) sẽ có mức phí spread hấp dẫn và thấp hơn so với những loại tài khoản chỉ thu phí spread. Điều này hoàn toàn hợp lý, về bản chất sàn chỉ là nơi trung gian nhận lệnh của trader, cho nên nếu sàn đã thu phí hoa hồng thì spread phải thấp và ngược lại nếu chỉ thu phí spread, không thu phí hoa hồng, thì spread sẽ cao hơn, như vậy vừa tạo sự phong phú vừa thu hút trader tham gia giao dịch.
-Loại tài khoản thu phí commission thường có mức nạp tiền tối thiểu cao hơn so với tài khoản chỉ thu phí spread, từ 50 USD đến 100 USD trở lên, nhiều sàn sẽ là 200 USD. Trong khi đó, với tài khoản chỉ thu phí spread mức nạp tối thiểu từ 1 USD trở lên với các sàn như Exness, XTB, FBS… Như có nói ở trên, nếu tài khoản đã thu phí hoa hồng thì spread thường rất dễ chịu. Nên, khi bạn giao dịch với 1 khối lượng lớn, và chuyên đánh lướt sóng thì việc spread không quá giãn sẽ là 1 trong những điểm hấp dẫn nhất, để bạn cân nhắc mở tài khoản thu phí commission. Chính vì thế, nếu tài khoản thu phí hoa hồng thường dành cho các trader chuyên nghiệp, thì tài khoản chỉ thu phí spread sẽ dành cho những trader mới vào nghề.
Phí Commission áp dụng cho loại tài khoản nào?
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu trader, sàn forex nào cũng sẽ có 2 dạng tài khoản chính gồm: tài khoản chỉ thu phí spread, không thu phí hoa hồng và loại tài khoản chỉ thu phí hoa hồng. Với dạng tài khoản chỉ thu phí hoa hồng thường được các sàn forex đặt tên là tài khoản ECN/STP.
Sở dĩ loại tài khoản ECN/STP hay thu phí commission hoa hồng là bởi sau khi nhận được lệnh từ trader, sàn sẽ chuyển lệnh trực tiếp ra thị trường. Lúc này, sàn forex không thể nào can thiệp vào spread để tìm cách “kiếm thêm” từ trader. Và khi để lệnh của trader “bơi” trực tiếp cùng với những nhà giao dịch khác, những nhà cung cấp thanh khoản khác, đồng nghĩa sàn sẽ phải thu phí hoa hồng từ những lệnh này thay vì thu phí spread.
Thông thường, bạn sẽ biết được phí commission của một sàn forex thông qua phần thông tin tài khoản do sàn cung cấp.
Sẽ có 2 loại phí commission dựa trên phần mềm giao dịch mà sàn cung cấp là: Phí hoa hồng trên tài khoản MT4 hoặc MT5 và phí hoa hồng với loại tài khoản trực thuộc cTrader.
Hiện tại, các sàn sẽ chủ yếu thu phí hoa hồng trên phần mềm MT4, và như trên chúng tôi có nói, phí trung bình dao động từ 7 USD đến 10 USD. Với phần mềm cTrader rất ít sàn hiện nay áp dụng và cũng thường có phí cao hơn so với MT4, vì giá trị tính sẽ phụ thuộc vào tỷ giá cặp tiền tệ ở thời điểm mở lệnh và đóng lệnh.
Ví dụ: Phí commission trên các loại tài khoản của sàn ICMarkets.
Ngoài ra, để thu hút trader mở tài khoản giao dịch một số sàn sàn forex sẽ áp dụng chính sách giảm commission với những trader có khối lượng giao dịch hàng tháng lớn. Giao dịch càng nhiều thì phí commission càng giảm.
Ví dụ: phí hoa hồng theo khối lượng giao dịch của tài khoản Zero tại sàn Admiral Markets:
Công thức tính phí Commission
Thông thường, các sàn forex sẽ áp dụng mức phí hoa hồng cho giao dịch một chiều (per side), nghĩa là chỉ tính trên giao dịch mở hoặc đóng lệnh. Nhưng mức phí thực tế mà trader phải trả sẽ được tính trên giao dịch một vòng (round turn), tức là một giao dịch hoàn chỉnh, bao gồm cả việc mở lệnh và đóng lệnh để chốt lợi nhuận/thua lỗ, như chúng tôi có đề cập phía trên.
Ví dụ như tài khoản Raw spread của ICMarkets có phí hoa hồng 3.5$/ 1 lot (xem lại hình ở phần Commission là gì?). Đây là phí 1 chiều (per side). Mức phí mà trader phải trả cho mỗi giao dịch 2 chiều hay round turn là 7$.
Vì đa số các sàn forex sẽ để mặc định phí hoa hồng một phía, nên khi phân tích hay trong những ví dụ dưới đây, khi nhắc đến commission thì các bạn phải tự hiểu đó là 1 chiều (per side).
Công thức tính commission:
Hiện nay, phí commission được biểu diễn theo 3 cách khác nhau, phụ thuộc vào từng sàn forex và từng loại tài sản.
- Commission = A $/lot
- Commission = A $/1 triệu $ được giao dịch
- Commission = A%/giá trị giao dịch
Hai cách đầu tiên được áp dụng cho forex và vàng, cách thứ 3 thường được áp dụng cho giao dịch cổ phiếu.
Chúng ta sẽ tìm hiểu công thức và ví dụ cho từng cách tính cụ thể ngay dưới đây. Mặc định USD là tiền tệ của tài khoản giao dịch.
- Commission = A $/lot
Phí commission = Khối lượng giao dịch theo lot x A x 2
Ví dụ: mở lệnh Buy cặp EUR/USD với khối lượng 0.25 lots, phí commission áp dụng cho tất cả các cặp forex chính và vàng là 3.5$. Tính phí commission cho giao dịch này.
Phí commission = 0.25 x 3.5 x 2 = 1.75$. Phí này sẽ được ghi nhận khi lệnh giao dịch vừa được kích hoạt và được tính thẳng vào lợi nhuận hoặc thua lỗ tạm thời của lệnh.
- Commission = A $/ 1 triệu $ được giao dịch
Phí commission = Khối lượng giao dịch theo USD x (A/1,000,000) x 2
Ví dụ: mở lệnh Buy cặp USD/JPY với khối lượng 1 lots. Commission là 10$/1 triệu $ được giao dịch. Tính phí commission cho giao dịch này.
1 lots = 100,000 đơn vị tiền tệ cơ bản. Ở trường hợp này 1 lots = 100,000 USD.
Phí commission = 100,000 x (10/1,000,000) x 2 = 2 USD.
Ví dụ: mở lệnh Buy cặp EUR/JPY với khối lượng 0.05 lots. Commission là 10$/1 triệu $ được giao dịch. Tính phí commission cho giao dịch này.
0.05 lots = 5,000 EUR. Vì tiền tệ của tài khoản là USD nên chúng ta phải quy đổi khối lượng giao dịch sang USD. Tỷ giá của EUR/USD lúc vào lệnh là 1.11500, suy ra 5,000 EUR = 5,575 USD.
Phí commission = 5,575 x (10/1,000,000) x 2 = 0.1115 USD.
- Commission = A%/giá trị giao dịch
Phí commission = Giá trị giao dịch theo USD x A% x 2
Ví dụ: mở lệnh Buy cổ phiếu Apple với khối lượng 10 lots (1 lot = 1 cổ phiếu), giá khớp lệnh là 320 USD. Commission là 0.2% /giá trị giao dịch. Tính commission cho giao dịch này.
Tổng giá trị giao dịch cho lệnh này = 10 x 320 = 3,200 USD.
Phí commission = 3,200 x 0.2% x 2 = 12.8$.
Lưu ý: trong trường hợp sàn forex có quy định mức commission tối thiểu (min) thì nếu phí commission tính được nhỏ hơn mức tối thiểu thì mức tối thiểu sẽ được chọn.
Ví dụ: mở lệnh Buy cổ phiếu Apple với khối lượng 2 lots, giá khớp lệnh là 320 USD. Commission là 0.2%/giá trị giao dịch (min 8$). Tính phí commission mà trader phải trả cho lệnh này.
Phí commission = 2 x 320 x 0.2% x 2 = 2.56$ <8$, suy ra, phí commission phải trả cho lệnh này là 8$.
Lưu ý về phí commission khi chọn sàn forex
Commission là một loại chi phí bắt buộc phải trả cho mỗi giao dịch, chính vì thế nó quyết định đến lợi nhuận/thua lỗ cho giao dịch đó. Nếu commission quá cao, buộc lòng lệnh của bạn phải đạt được lợi nhuận cao hơn nữa thì mới đủ để bù đắp commission, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý khi giao dịch. Hơn nữa, về lâu dài, phí giao dịch cao sẽ làm cho tài khoản của trader mất đi một lượng tiền khá lớn. Vì thế, commission là một trong những tiêu chí hàng đầu khi quyết định lựa chọn sàn forex.
Tuy nhiên, commission không phải là mức phí duy nhất mà broker thu từ trader. Ngoài commission, còn một loại phí nữa rất quan trọng, đó chính là spread (chênh lệch giá Bid, giá Ask).
Với một trader mới vào nghề, nếu thấy các broker quảng cáo giao dịch “No commission”, chắc chắn sẽ rất hứng thú và vội vàng mở ngay tài khoản vì cho rằng mình may mắn khi chọn được sàn tốt. Nhưng không, nếu một sàn forex nào đó áp dụng chính sách “No commission” cho tất cả các tài khoản thì các bạn nên cẩn thận.
Một sàn forex được đánh giá là tốt khi có spread thấp (trung bình khoảng 1 – 2 pips trên các cặp tiền forex chính như EUR/USD) và commission ở mức chuẩn (khoảng 3-3.5$/lot/1 chiều).
Ngược lại, một sàn forex thiếu uy tín thường sẽ miễn commission cho trader nhưng spread lại rất cao, trung bình khoảng 3 – 4 pips hoặc nhiều hơn.
Chính vì thế hãy chọn 1 sàn có phí spread và phí hoa hồng ở mức trung bình, thay vì 1 sàn quảng cáo là “no commission” bạn nhé.
Ví dụ: Buy 1 lot cặp EUR/USD
Sàn forex A có spread trung bình từ 1 – 1,5 pips và commission là 3.5$/lot.
Sàn forex B có spread trung bình từ 3 – 5 pips và commission là 0$.
Xem lại: Pip là gì? Cách tính giá trị của pip
Tổng chi phí khi thực hiện lệnh tại sàn A là 17$ – 22$
Tổng chi phí khi thực hiện lệnh tại sàn B là 30$ – 50$
Bạn đã thấy sự khác biệt rồi chứ? Đó là chưa tính đến những thời điểm thị trường biến động mạnh, spread giãn nở rất lớn thì tổng chi phí mà bạn phải trả sẽ tăng lên rất nhiều.
Commission là nguồn thu chủ yếu để duy trì hoạt động của sàn, nếu không có loại phí này thì buộc lòng sàn forex sẽ phải nâng spread lên cao, điều này sẽ gây nhiều thiệt hại hơn cho trader, như đã phân tích ở ví dụ trên.
Đến đây thì các bạn đã biết sẽ nên chọn sàn forex dựa vào tiêu chí commission như thế nào rồi đúng không?
Một lưu ý nữa cũng khá quan trọng liên quan đến loại chi phí thứ ba mà chúng tôi đã nhắc đến ở phần mở đầu, đó là swap – phí qua đêm.
Xem lại Swap là gì?
Nếu bạn là một trader lướt sóng, giao dịch ngắn hạn, các lệnh thường đóng trong ngày thì không nhất thiết phải quan tâm đến swap, do phí này chỉ tính khi lệnh để qua đêm. Nhưng nếu bạn là một trader giao dịch dài hạn thì chắc chắn phải chú trọng đến loại chi phí này. Đặc biệt, khi bạn giữ lệnh vài tuần đến vài tháng thì con số sẽ tăng lên đáng kể.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu được bản chất của commission và cách tính phí commission cho mỗi giao dịch. Từ đó, kết hợp với cách tính phí chênh lệch spread đã được tìm hiểu từ các bài viết trước, để hoạch định chiến lược giao dịch sao cho hiệu quả nhất. Ngoài ra, các bạn cũng có thể áp dụng những chia sẻ của chúng tôi trong bài viết này để làm nền tảng cho việc lựa chọn một sàn forex uy tín và tốt nhất. Chúc các bạn thành công!