Bullish và bearish là hai khái niệm vô cùng cơ bản nhưng cũng rất quan trọng trên các thị trường tài chính như chứng khoán, ngoại hối hay tiền điện tử. Cả 2 thuật ngữ này đều đang nói về xu hướng của một thị trường. Bullish chỉ thị trường đang tăng giá, ngược lại, bearish ám chỉ thị trường giảm giá. Hiểu rõ được 2 khái niệm bullish và bearish, nhà đầu tư sẽ nắm bắt xu hướng một cách dễ dàng. Đồng thời, mỗi dạng thị trường sẽ có những đặc điểm, tính chất và xu hướng biến động khác nhau, dựa vào đó, trader sẽ xác định được các chiến lược giao dịch sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.
Trong bài viết lần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm bullish trước, về đặc điểm của thị trường tăng giá và các chiến lược giao dịch hiệu quả trong thị trường này.
Nội Dung
Bullish là gì? Thị trường bullish là gì?
Bên cạnh việc ám chỉ về xu hướng tổng thể của một loại thị trường thì thuật ngữ bullish đôi khi còn được sử dụng để nói đến một loại tài sản riêng biệt (như chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa…) hoặc một ngành nghề cụ thể. Nhưng tính chất chung của những thị trường, tài sản hay ngành nghề này đều là đang có xu hướng đi lên về giá cả, giá trị hoặc sự phát triển.
Bullish market hay thị trường bullish là một thị trường tăng giá, mà ở đó, giá cả của các loại tài sản đang tăng lên nhanh hơn mức trung bình trong lịch sử, trong một khoảng thời gian dài với khối lượng giao dịch lớn.
Sở dĩ sử dụng thuật ngữ “bullish” để chỉ thị trường tăng giá vì tính chất của thị trường này khá giống với xu hướng tấn công của con bò – “bull”, nó sẽ dùng cặp sừng của mình để tấn công đối phương từ dưới lên. Ngược lại, thuật ngữ “bearish” chỉ thị trường giảm giá vì nó cũng tương đồng với xu hướng tấn công của con gấu – “bear”, giáng đòn rất mạnh từ trên xuống.
Trong thị trường bullish, người ta kỳ vọng giá sẽ tăng lên nên nhu cầu mua vào luôn cao hơn rất nhiều so với bán ra, kết quả là khiến cho giá của tài sản càng được đẩy lên cao hơn nữa.
Mặc dù bản chất của bullish vẫn là sự tăng giá nhưng với mỗi đối tượng khác nhau, mỗi khung thời gian khác nhau thì khái niệm này sẽ được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau.
Bullish trong ngắn hạn
Thị trường tăng giá trong ngắn hạn nghĩa là ở thời điểm hiện tại, giá đang tăng và nhà đầu tư đang kỳ vọng giá sẽ tăng lên nữa trong những khoảng thời gian ngắn, từ vài phút, vài giờ đến vài ngày. Thị trường tăng giá trong ngắn hạn không thể vội vàng kết luận đó là một đoạn tăng giá trong xu hướng tăng chung dài hại mà nó cũng có thể là một đoạn điều chỉnh tăng trong một xu hướng giảm dài hạn hay trong một thị trường bearish dài hạn.
Căn cứ sự kỳ vọng của nhà đầu tư về một bullish ngắn hạn thường dựa vào các yếu tố kỹ thuật thông qua việc phân tích biểu đồ và hành động giá. Đôi khi, sự kỳ vọng này cũng đến từ một sự kiện ngắn hạn nào đó, tác động đến giá của tài sản theo hướng tích cực hơn.
Ví dụ: trên khung thời gian ngắn M15, ở thời điểm hiện tại, giá đang tăng do tạo các đỉnh cao hơn, đáy cao hơn, nhưng đây chưa chắc là xu hướng chung của thị trường. Tuy nhiên, mô hình đảo chiều tăng xuất hiện sau một đợt giảm nhẹ khiến trader có thể kỳ vọng vào việc giá sẽ tăng lên nữa.
Bullish trong dài hạn
Là khi mà giá tăng lên trong một thời gian dài, vài tuần, vài tháng, vài năm, đây cũng là xu hướng chung của thị trường. Với một thị trường bullish dài hạn, mặc dù giá có biến động lên xuống thất thường thì nhìn chung là vẫn có xu hướng đi lên theo thời gian, trader mua vào sẽ có lời.
Trong thị trường bullish dài hạn, nhà đầu tư đang rất hưng phấn. Nếu là thị trường chứng khoán thì hoặc là nhà đầu tư đang vô cùng lạc quan với kết quả hoạt động của công ty ở tương lai hoặc cho rằng cổ phiếu của công ty đó đang bị định giá quá thấp so với giá trị nội tại của nó. Nếu là thị trường forex thì các trader đang có niềm tin mãnh liệt vào sự tăng trưởng của một đồng tiền. Niềm tin này khiến họ càng hưng phấn mua vào thì giá sẽ càng tăng lên.
Ví dụ: đồng USD tăng giá so với đồng CAD trong khoảng thời gian rất dài, từ đầu tháng 7/2014 đến đầu tháng 1/2016.
Bullish trên toàn ngành, toàn thị trường
Nếu ở 2 phần trên, chúng ta đang xét đến khái niệm bullish trên thị trường của một tài sản cụ thể thì ở đây, chúng ta sẽ nói đến bullish trên một thị trường tài chính nhất định. Và thị trường chứng khoán sẽ là ví dụ minh họa rõ ràng và dễ hiểu nhất.
Thị trường chứng khoán bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu… nhưng cổ phiếu chiếm gần như toàn bộ. Trong một năm, sẽ có cổ phiếu tăng giá, cổ phiếu giảm giá, sẽ có cổ phiếu tăng nhiều, tăng ít hoặc giảm nhiều, giảm ít nhưng nếu xét tổng thể toàn bộ thị trường chứng khoán mà trong năm đó, thị trường có xu hướng đi lên thì ta nói năm đó, thị trường bullish. Và chỉ số chứng khoán (Index) chính là yếu tố đại diện cho toàn bộ thị trường chứng khoán.
Tương tự, trong một năm, xét ngành công nghiệp thực phẩm, sẽ có cổ phiếu tăng giá, cũng như có cổ phiếu giảm giá nhưng xét toàn bộ ngành, nếu tăng giá thì ta nói trong năm đó, thị trường ngành công nghiệp thực phẩm bullish. Và sự biến động của chỉ số chứng khoán (ngành) sẽ đại diện cho toàn ngành.
Ví dụ: chỉ số chứng khoán VN Index trong giai đoạn 2016 đến 2018 có xu hướng tăng, ta nói, thị trường chứng khoán trong giai đoạn này là một thị trường bullish, mặc dù từng cổ phiếu trong đó biến động theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Các đặc điểm và biểu hiện của thị trường bullish
Thị trường bullish hay bearish cũng là biểu hiện cho một xu hướng cụ thể của giá: tăng hoặc giảm. Mà một xu hướng thì lại được chia thành 3 giai đoạn: bắt đầu, cao trào và suy thoái.
Đối với thị trường bullish, giai đoạn bắt đầu thường diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nhất, sau một đợt tích lũy dài hoặc chuyển tiếp từ bearish sang. Ở giai đoạn này, mức độ tăng của giá không cao, vừa tăng vừa tích lũy. Khi đã tích lũy đủ, lực mua đủ mạnh sẽ đẩy giá lên cao hơn, mức độ tăng nhiều hơn và thời gian kéo dài lâu hơn, thì đây chính là giai đoạn bùng nổ hay cao trào. Nếu giai đoạn này có mức độ tăng mạnh mẽ thì thời gian kéo dài thường ngắn, ngược lại, vẫn bùng nổ nhưng lực tăng vừa phải, giai đoạn này sẽ kéo dài hơn. Cuối cùng, ở giai đoạn suy thoái, giá bắt đầu tăng với tốc độ chậm lại, nhịp độ tăng giảm dần, đến một lúc nào đó, lực bán mạnh hơn sẽ kéo giá đi xuống, thị trường đảo chiều.
Các đặc điểm của thị trường bullish
- Thứ nhất, giá liên tục tạo ra các đỉnh cao hơn và các đáy cao hơn
- Thứ hai, xen kẽ các đợt tăng mạnh mẽ là những đợt điều chỉnh giảm với lực điều chỉnh nhẹ, không phá vỡ cấu trúc của một xu hướng tăng
- Thứ ba, các đợt tăng phải có động lực tăng mạnh và mức độ tăng cao hơn so với mức độ giảm của các đợt điều chỉnh ngay trước đó.
Ba đặc điểm trên của một thị trường bullish thiên về mặt kỹ thuật và được đánh dấu bằng chiều hướng biến động của giá trên thị trường. Bên cạnh đó, một thị trường bullish còn được biểu hiện thông qua nhiều yếu tố cơ bản, nội tại khác như cung – cầu, tâm lý nhà đầu tư, sự thay đổi các hoạt động kinh tế.
Biểu hiện của thị trường bullish
- Trong thị trường bullish, nhu cầu mua vào cao hơn nhu cầu bán ra
- Ở thị trường chứng khoán, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng tham gia vào thị trường hơn để tìm kiếm lợi nhuận, thể hiện thái độ và tâm lý lạc quan của họ, ngược lại, ở thị trường forex, thái độ lạc quan và sự sẵn sàng tham gia vào thị trường không phụ thuộc vào bullish hay bearish vì ở cả 2 chiều, nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được lợi nhuận. Đó là sự khác biệt.
- Đối với chứng khoán, bullish toàn thị trường xảy ra thường đi cùng với sự thay đổi của một vài biến số kinh tế như: tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp giảm, hoạt động IPO gia tăng trên thị trường. Đối với bullish ở thị trường mỗi cổ phiếu thì đi kèm với sự gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Sự quan tâm của các phương tiện truyền thông cũng trở nên ưu ái hơn trong thị trường bullish.
Các chiến lược giao dịch hiệu quả trong thị trường bullish
Giao dịch hiệu quả trong một thị trường bullish nghĩa là trader phải tận dụng được cơ hội để vào lệnh tại những đợt tăng giá mạnh mẽ. Đó chính là chiến lược giao dịch thuận xu hướng.
Trước tiên, để xây dựng chiến lược giao dịch hiệu quả, các bạn cần xác định xu hướng chung của thị trường, tức là thị trường đang là bullish hay bearish.
Có 2 phương pháp để xác định thị trường bullish, sử dụng chỉ báo kỹ thuật xác định xu hướng và phân tích hành động giá.
Chỉ báo kỹ thuật báo hiệu thị trường bullish
Có rất nhiều indicators được dùng để xác định xu hướng hiện tại của thị trường, nhưng chỉ báo đơn giản mà hiệu quả nhất phải kể đến chính là đường trung bình động MA. Tín hiệu tạo ra từ chỉ báo này cũng sát nhất với tính chất của thị trường bullish.
Đường MA thể hiện các giá trị trung bình trong lịch sử, khi giá của tài sản đang nằm trên đường MA một thời gian dài, nghĩa là nó đang tăng nhanh hơn mức trung bình trong lịch sử ? thị trường tăng giá – bullish.
Tùy thuộc vào phong cách giao dịch mà các bạn sử dụng các chiến lược ngắn hay dài hạn, đồng nghĩa với các timeframe ngắn hay dài thì chu kỳ của đường trung bình động MA được chọn cũng sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, với chiến lược giao dịch thuận xu hướng trong thị trường bullish, điều quan trọng là các bạn phải xác định được xu hướng tổng thể của thị trường nên chỉ báo MA sử dụng phải có chu kỳ lớn, thường là 50 hoặc 100 trên khung thời gian D1. Sau đó, khi đã xác định được tín hiệu giao dịch, các bạn có thể sử dụng những chu kỳ ngắn hơn như 20, 50 trên các khung thời gian ngắn như M30, H1, H4 để tìm tín hiệu vào lệnh.
Ở bài viết này, chúng tôi sử dụng đường trung bình động đơn giản SMA.
Ví dụ: sử dụng SMA (50) ở khung D1 trên cặp USD/CAD để xác định thị trường bullish
Trong thị trường bullish, đường SMA (50) luôn nằm dưới đường giá. Ở giai đoạn bắt đầu, vì mức độ tăng chưa cao nên giá nhiều lần chạm vào đường SMA (50), sang giai đoạn cao trào, lực tăng mạnh hơn, mức độ tăng cao hơn nên giá không còn chạm vào đường SMA (50) nữa và khoảng cách giữa đường giá với đường SMA (50) cũng xa hơn. Cuối cùng, khi đã bước sang giai đoạn suy thoái, giá vẫn nằm trên đường SMA (50) nhưng đang có xu hướng tiến lại gần đường này hơn cho đến khi chạm vào, cắt và chuyển sang nằm dưới.
Phân tích hành động giá xác định thị trường bullish
Trường phái phân tích hành động giá price action chỉ sử dụng đồ thị giá trơn làm công cụ chủ lực nhưng lại cực kỳ hiệu quả và rất phù hợp với các trader mới vì tính đơn giản.
Bằng việc quan sát hành vi của giá trên đồ thị, chúng ta có thể xác định được thị trường bullish hay bearish thông qua các đặc điểm kỹ thuật như đã phân tích ở phần trên.
Một thị trường bullish sẽ có những đặc điểm kỹ thuật sau, có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần phải sử dụng bất kỳ một công cụ nào khác:
- Giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước
- Các đoạn tăng giá xảy ra liên tục và được xen kẽ bởi các đoạn điều chỉnh giảm
Ví dụ: phân tích hành động giá xác định thị trường bullish trên cặp EUR/USD trên khung D1
Chiến lược giao dịch hiệu quả trong thị trường bullish
Như đã nói, chiến lược mà chúng tôi khuyến khích các bạn sử dụng trong thị trường bullish chính là giao dịch thuận chiều xu hướng, nghĩa là chờ đợi cơ hội để vào lệnh Buy. Một lệnh Sell lúc này là các bạn đang giao dịch đảo chiều hoặc tìm kiếm lợi nhuận từ các đợt điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, giao dịch đảo chiều không hề đơn giản, rủi ro cao mà tận dụng các đợt điều chỉnh giảm thì lợi nhuận không cao, có khi không đủ bù đắp chi phí nếu gặp những đợt điều chỉnh rất nhẹ.
- Các bước giao dịch thuận xu hướng trong thị trường bullish
Vào lệnh
Vào lệnh sau một đợt điều chỉnh giảm hay pullback. Chờ đợi đợt điều chỉnh giảm kết thúc, sau đó vào lệnh Buy.
Có nhiều cách để xác định tín hiệu kết thúc đợt điều chỉnh giảm:
- Sử dụng đường trung bình động SMA, nếu giá điều chỉnh giảm và chạm vào SMA thì vào lệnh sau khi giá quay đầu đi lên lại.
- Sử dụng đường xu hướng trendline (nếu có): khi giá giảm và chạm vào trendline của xu hướng tăng rồi sau đó quay đầu đi lên thì vào lệnh Buy.
- Sử dụng tín hiệu từ các mô hình nến đảo chiều tăng như Bullish Engulfing, Bullish Reversal Pin bar, Morning Star, Tweezer Bottom…
Cách vào lệnh như vậy sẽ giúp tỷ lệ Risk:Reward tốt hơn, trader thu về nhiều lợi nhuận hơn mà rủi ro cũng được giảm thiểu.
Đặt cắt lỗ – Stop loss
Tùy vào công cụ mà các bạn sử dụng để vào lệnh thì sẽ có những cách đặt stop loss khác nhau.
- Vào lệnh bằng SMA: đặt stop loss bên dưới đường SMA tại vị trí vào lệnh
- Vào lệnh bằng trendline: đặt stop loss bên dưới trendline tại vị trí vào lệnh
- Vào lệnh bằng mô hình nến đảo chiều: Tùy thuộc vào từng loại mô hình mà cách đặt stop loss sẽ khác nhau. Ví dụ như Reversal Pin bar hay Morning Star thì có thể đặt stop loss phía dưới mức giá thấp nhất của cây nến pin bar.
Chốt lời – Take profit
Đối với chiến lược giao dịch này, các bạn có thể chốt lời khi giá thật sự đảo chiều hoặc tại bất cứ khi nào mà các bạn đã đạt được mức lợi nhuận mục tiêu của mình.
Các tín hiệu giá đảo chiều có thể sử dụng như giá cắt đường trung bình động SMA từ trên xuống, giá cắt đường trendline từ trên xuống, xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm như Reversal Bearish Pin bar, Evening star, Bearish Engulfing, Tweezer Top…
Lưu ý: vận dụng tính chất của thị trường bullish và tùy thuộc vào thời điểm giao dịch của bạn đang ở giai đoạn nào của xu hướng mà có thể gia tăng lợi nhuận bằng cách đặt thêm lệnh tại các thời điểm giá xuất hiện đợt điều chỉnh mới. Nếu bạn tham gia vào thị trường ở giai đoạn bắt đầu hoặc vừa mới chuyển sang giai đoạn cao trào thì việc nhồi thêm lệnh sẽ khả quan hơn khi giai đoạn cao trào đã đi được một thời gian, vì lúc này, rất khó để xác định thời gian thị trường duy trì ở giai đoạn này là bao lâu. Cách vào lệnh, stop loss hay take profit cho các lệnh mới tương tự như chiến lược giao dịch ở trên.
Khi sử dụng chiến lược giao dịch nhiều lệnh, các bạn lưu ý dời stop loss của các lệnh thấp đến stop loss của các lệnh cao hơn để chắc chắn phần lợi nhuận từ những lệnh này.
Ví dụ: giao dịch trong thị trường bullish trên cặp USD/CAD ở khung thời gian D1
Khi giá cắt đường SMA từ dưới lên, sau đó luôn chi chuyển phía trên đường này đồng thời tạo các đỉnh mới cao hơn, các đáy mới cao hơn thì chúng ta có thể khẳng định thị trường đang tăng giá bullish.
- Khi giá chạm vào đường SMA, chuẩn bị vào lệnh Buy đầu tiên, đợi cây nến tăng xác nhận ngay sau đó kết thúc rồi vào lệnh. Đặt stop loss ngay phía dưới đường SMA tại vị trí vào lệnh.
- Sau đó, giá bắt đầu di chuyển ra xa hơn so với đường SMA, chứng tỏ thị trường đang trong giai đoạn cao trào, rất khó để tiếp tục vào lệnh với tín hiệu giá chạm vào SMA một lần nữa, mà thay vào đó, chúng ta sẽ sử dụng tín hiệu từ những công cụ khác.
- Giá tiếp tục tăng lên và xuất hiện một cây Bullish Reversal Pin bar, tuy nhiên cây Pin bar này với đuôi hơi ngắn, các bạn nên chờ đợi cây nến tăng xác nhận xuất hiện và kết thúc rồi hãy vào lệnh. Đặt stop loss dưới giá thấp nhất của nến Pin bar, đồng thời dời stop loss của lệnh Buy 1 đến vị trí này.
- Tiếp theo, giá tiếp tục hình thành một cây Bullish Reversal Pin bar nữa, nhưng lần này, đuôi nến khá dài, vượt xa vùng giá xung quanh, tín hiệu tăng rất rõ rệt, các bạn chỉ cần đợi cây Pin bar này kết thúc là có thể vào lệnh Buy 3. Đặt stop loss phía dưới giá thấp nhất của nến Pin bar, đồng thời dời stop loss của 2 lệnh trước đến vị trí này.
- Khi không còn xuất hiện tín hiệu vào lệnh tiềm năng, các bạn nên quan sát kỹ thị trường. Lúc này, giá bắt đầu chựng lại và di chuyển lại gần đường SMA. Sau đó, mô hình Sao Hôm (Evening star) xuất hiện, cho tín hiệu đảo chiều giảm. Các bạn tiến hành đóng cả 3 lệnh lại sau khi mô hình này kết thúc. Hoặc có thể đợi khi giá cắt đường SMA từ trên xuống rồi đóng lệnh.
Kết luận
Đối với chứng khoán, thị trường bullish mang lại sự lạc quan cho nhà đầu tư, họ yêu thích bullish hơn và chỉ kỳ vọng thị trường tăng giá. Còn đối với forex, cho dù bullish hay bearish thì nhà đầu tư cũng có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận hấp dẫn.
Chiến lược giao dịch thuận xu hướng luôn là sự lựa chọn an toàn và yêu tích của đa số các trader, đặc biệt các trader mới. Có thể chiến lược mà chúng tôi đề xuất sẽ không hiệu quả trong một số điều kiện thị trường nhất định nhưng ít nhiều sẽ giúp các bạn hình dung được cách thức giao dịch trong thị trường bullish.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.